Chuẩn bị đất: Với những vùng đất thấp cần lên líp rộng
1-1,2m, có rãnh thoát nước để mai không bị úng ngập khi mưa hay nước ngầm dâng
cao làm thối rễ mai. Xới đất cho tơi xốp, nhặt hết cỏ dại và gạch đá.
Bón lót: Bón phân bò, tro trấu với lượng 3-5kg hay phân hữu cơ Đầu Trâu
với lượng 0,3- 0,5 kg cho mỗi hố trồng. Nếu trồng mai trong chậu cần trộn đất với
phân theo tỷ lệ 3-4 phần đất, 1 phần phân hữu cơ. Rải một phần phân hữu cơ xuống
hố, đặt cây, rải tiếp phân hữu cơ quanh gốc rồi lấp đất, lèn chặt.
Tưới nước: Mùa nắng nên tưới hàng ngày để đất đủ ẩm, mùa mưa cần đảm bảo
tiêu thoát nước tốt và chỉ tưới khi đất khô. Mai trồng trong chậu bốc thoát hơi
nước nhanh nên cần tưới nhiều lần hơn so với mai trồng trong đất. Chỉ tưới vào
sáng sớm hay chiều mát, không nên tưới quá đẫm vào chiều tối vì dễ phát sinh
sâu bệnh do độ ẩm quá cao vào ban đêm.
Bón phân thúc: Sau trồng 15-20 ngày, rễ mai đã ăn ra lớp đất mới, cần tưới
phân thúc bằng cách hòa 15-25gam phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu/10 lít nước tưới
vào gốc nhằm thúc cho bộ rễ mai phát triển mạnh ngay từ đầu. Bón thúc bằng cách
rải phân NPK 20-20- 15+TE hoặc NPK 13-13-13 Đầu Trâu quanh gốc với lượng 20-30
gam/cây, định kỳ 25-30 ngày/lần. Kết hợp xới đất để vùi lấp phân nhằm giảm bớt
thất thoát phân do bay hơi, rửa trôi. Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 định kỳ
7-10 ngày/lần. Sau 3-4 tháng từ khi trồng, bón 0,5-0,1 kg phân hữu cơ/cây. Cuối
tháng 10 âm lịch cần giảm lượng phân và nước tưới để hạn chế tăng trưởng thân
lá, chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa. Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 định
kỳ 7-10 ngày/lần nhằm kích thích mai phân hóa mầm hoa tốt.
Biện pháp xử lý để mai vàng ra hoa đúng tết: Cần áp dụng đồng bộ: Bón
phân - Xiết nước - Tuốt lá. Từ đầu tháng 10 âm lịch hạn chế bón các loại phân
có hàm lượng đạm (N) cao. Từ giữa đến cuối tháng 11 âm lịch, dừng bón phân vào
gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá. Từ 7-10 tháng Chạp, nếu thấy mai
sung sức, đã có nụ lớn thời tiết dự báo nắng ấm thì mai sẽ nở sớm, do vậy đối với
mai 5 cánh cần tuốt lá vào khoảng 18-20 tháng Chạp. Ngược lại nếu cây mai không
sung sức, mới xuất hiện nụ nhỏ, dự báo rét kéo dài thì phải tuốt lá khoảng ngày
13-16 tháng Chạp. Đối với mai nhiều cánh cần tuốt lá sớm hơn so với mai 5 cánh
từ 4-6 ngày. Trước khi tuốt lá cần ngừng tưới nước 2- 3 ngày để lá bắt đầu đanh
lại, gân lá nổi lên thì tuốt lá, đồng thời tưới lại thật đẫm và phun phân bón
lá Đầu Trâu 701. Đúng "tết ông Táo", nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa là
chắc chắn hoa nở đúng tết; Nếu hoa cái chưa bung vỏ lụa là mai nở muộn nên cần
xiết nước (ngưng tưới), đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu) sau vài ngày thì
tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-50 độ C) đồng thời phun phân bón lá Đầu
Trâu 901 để kích thích mai nở sớm cho đúng tết. Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước
"tết Ông Táo" thì mai sẽ nở trước tết nên cần phải hòa 10-20 gam phân
urea/10 lít nước để tưới. Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho một ít
nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hoa nở đúng tết. Đối
với những năm nhuận, thường mai sẽ nở sớm hơn nên cần kéo dài thời gian bón
phân thúc và tưới nước so với những năm thường để thời gian tăng trưởng thân lá
lâu hơn, giúp mai nở đúng tết. Việc tuốt lá, phun phân bón lá cũng theo nguyên
tắc trên. Từ cuối tháng 11, nếu có mưa bất thường thì mai sẽ nở sớm do đó cần
chủ động nắm bắt dự báo để có thể làm dàn che hay phủ nilon che gốc để tránh
mưa.
Chưng mai trong những ngày tết: Chậu mai phải để nơi thoáng mát, đủ sáng
không nên để gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm mai mất nước nhiều rụng hoa
và cả nụ sớm. Không nên để mai chỗ quá tối vì sẽ không đủ ánh sáng cho mai
quang hợp, chồi sẽ vươn dài, lá ra nhanh, hoa rụng sớm. Nên tránh để mai gần
bóng đèn có công suất lớn vì sẽ thừa sáng, nhiệt độ lại cao cũng làm mai nở
nhanh, chóng tàn. Nếu là cành mai cắm trong bình cần phải thui gốc ngay sau khi
cắt để giữ nhựa và hạn chế vi khuẩn gây thối cành. Thay nước sạch nhiều lần hoặc
cho mỗi lít nước 1 viên Aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.
Chăm sóc mai sau tết: Sau tết, mai rất mất sức nên cần chuyển mai từ chậu
ra trồng trong đất. Nếu vẫn trồng trong chậu cần phải thay đất mới bằng cách bỏ
bớt khoảng 1/3 đất cũ trong chậu, thay bằng hỗn hợp 3 phần đất mới, 1 phần phân
hữu cơ. Hòa 15- 25 gam phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu trong 10 lít nước, tưới đều
vào gốc mai. Tiếp tục bón thúc và tưới nước, phun phân bón lá theo chu kỳ mới
như đã nêu ở trên.
Một số kinh nghiệm chăm sóc cây mai
Cây mai trồng phải để cho nở hoa, dù vóc dáng có đẹp đến đâu đi nữa cũng phải
có hoa, mới thật là cây mai đẹp! Ở thành phố đất chật hẹp, phải trồng trong chậu
do đố phải chăm sóc cho thật kỹ:
Chăm sóc cây mai rất dễ, hai ba ngày mới tưới nước một lần. Khi nào thấy đất
trên miệng chậu khô là chúng ta tưới nước, dù có tưới nhiều nước cũng không
sao, nhưng phải đục thêm lỗ thoát nước dưới đáy chậu cho to khi tưới là nước phải
rút ra hết. Cây mai rất ưa nước, cắt cành chưng trong lục bình cũng sống rất
lâu, chỉ khi nào chậu không thoát nước, làm úng nước trong chậu, sanh ra khí độc
thối rễ, cây mai mới chết.
- Còn khi không, tự nhiên cây mai khô héo hết lá rồi chết một phần cây? Hãy xem cho kỹ, đó là sâu đục thân, phải tìm chung quanh thân cây xem có chỗ nào chảy nhựa ra không, để moi bắt sâu, hoặc dùng thuốc nội hấp lưu dẫn như Basudin có tác dụng là bỏ dưới gốc cây, từ 3 đến 5 gram cho mỗi chậu mai, thuốc sẽ đem chất độc từ rễ qua thân, cành, lá giết được các loại sâu bọ ở trong thân cây trên lá cây. Cây mai không nở bung 5 cánh ra được là do có lột loại sâu bé li ti, chui vào trong nụ hoa mai cắn phá làm cho nụ mai không nở được, cho nên chúng ta phả xịt thuốc phòng ngừa trước khi nụ mai sắp nở.
Còn cây mai mua về chưng Tết mà hoa không nở bung ra được là do mua nhầm cây
mai mới bứng lên trồng vô chậu, để thiếu nước, không đủ sức nở bung ra, trường
hợp này phải tưới nước cho thật nhiều. Thật ra nên mua cây mai đã trồng khoẻ mạnh
trong chậu, trong giỏ, chớ mua cây mai mới bứng lên trồng thường hay bị trường
hợp này.
Do để chưng cây mai ngay dưới quạt trần, quạt làm khô hết nước nụ mai nên không
nở được, nên tránh để ngay dưới quạt trần.
Do cây mai có sâu tơ li ti chai vào trong nụ hoa cắn phá không nở được, trường hợp này phải rãi thuốc Basudin trước khi cây mai có nụ hoặc phun ngừa một lần thuốc trừ sâu rẫy trên tàn lá cây mai, trước khi láy lá mai.
Một trường hợp đặc biệt là cây mai có nhiều kiến và rầy bông. Rẫy bông và kiến
là hai loại sinh vật sống hỗ tương lẫn nhau. Kiến tha rệp bông đem lên ngọn cây
để rệp hút nhựa cây mà sống. về sau đó tiết ra một chất sữa ngọt để nuôi lại kiến.
Nên kiến với rầy bông là hai bạn vô cùng mật thiết, sống tương hỗ lẫn nhau. Các
bạn cứ thử để ý xem: hễ thấy trên bất cứ cây gì mầ thấy có kiến thì trên ngọn
cây đó cồ rầy bông, nếu rầy bông nhiều quá hút hết nhựa, cây kiểng sẽ khô héo
và chết. Trường hợp này phải xịt thuốc rầy mạnh (Bi 58, supracide như trên, và
thêm chất keo dính, vì loại rầy này không thấm nước, và phải xịt nhiều lần mới
hết).
Cây mai khô héo một phần lá do nhiều nguyên nhân:
+ Bị sâu đục thân đục một bên rể
+ Đất hay nước tưới có phèn
+ Để chỗ có nhiều nắng gắt
+ Thiếu nước
+ Thiếu phân
+ Bị rầy bu dưới lá
+ Do chuyển dời đến vùng có khí hậu, thời tiết không phù hợp.
Nguồn: Sưu tầm